Chào bạn!
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nếu kéo dài có thể gây ra hậu quả nặng nề như suy dinh dưỡng, chậm phát triển,... Vậy cần làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa để cải thiện nhanh nhất các triệu chứng của bệnh nhanh nhất là câu hỏi của rất nhiều cha mẹ có con nhỏ. Trước khi hướng dẫn cách khắc phục, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa của con là gì để từ đó có phương pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp.
Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa là gì?
Nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, đau bụng,... là những biểu hiện thường gặp khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất, chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là gì từ đó mới có hướng xử trí thích hợp.
- Chế độ ăn uống không hợp lý
- Do nhiễm khuẩn từ thức ăn, đồ chơi, từ tay, nguồn nước ô nhiễm,…
- Do dùng kháng sinh mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột hay còn gọi là loạn khuẩn đường ruột từ đó gây rối loạn tiêu hóa.
- Do sức đề kháng yếu: Khi sức đề kháng suy giảm sẽ khiến cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,… phát triển và gây rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa còn có thể là biến chứng của các bệnh lý khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp, viêm phế quản,...
Làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
Khi có dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Điều cần làm đầu tiên là cần rà soát lại chế độ ăn uống, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân không phải do chế độ ăn uống, thực phẩm và vệ sinh thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xác định chính xác tình trạng bệnh, nguyên nhân từ đó mới có hướng xử trí thích hợp. Hoặc trong thời gian theo dõi tình trạng bệnh thì cần làm những điều sau:
- Kiểm soát chế độ ăn uống của bé, xem bé có ăn món gì lạ, bất thường như chua quá, ngọt quá hoặc nhiều mỡ quá không…và cho bé ngừng ăn ngay khi thấy bé ăn những thứ đó bị đau bụng đi ngoài.
- Bổ sung lượng nước và chất điện giải đầy đủ cho trẻ, vì khi bị rối loạn tiêu hóa trẻ thường bị mất nước. Nên uống nước oresol và phải tuân thủ hướng dẫn pha oresol, cho trẻ uống đúng cách, uống từng ít một, uống liên tục, rải rác trong ngày.
- Cần có chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau củ quả tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ như rau má, khoai lang, rau sam, đu đủ, thanh long, bưởi, cam, quýt, chuối,… Hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, đường và chất béo.
- Giữ vệ sinh môi trường xung quanh cũng như vệ sinh cá nhân cho trẻ, đảm bảo trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, luôn rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh đồ chơi của bé, tốt nhất là 2 tuần/lần. Với những món đồ bằng nhựa thì rửa sạch bằng nước và xà phòng rồi phơi khô, đồ chơi bằng gỗ thì lau bằng khăn sạch để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi.
- Bổ sung vi chất cần thiết cho hệ tiêu hóa và lợi khuẩn.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!
Chuyên gia tiêu hóa
*Thực phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh