Chuyên gia trả lời: Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Con bạn 6 tuổi, nặng 16kg thì so với cân nặng chuẩn theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì vẫn chưa đạt, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân. Vì vậy, bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Trẻ 6 tuổi bị nôn sau khi ăn phải làm sao?
Bạn đang lo lắng về tình trạng trẻ 6 tuổi hay bị nôn, rối loạn tiêu hóa, không ăn được thức ăn cứng, đã uống lợi khuẩn rồi nhưng vẫn không cải thiện. Vậy thì trước tiên, bạn cần tìm hiểu xem trẻ có mắc bệnh lý nào về hệ tiêu hóa hay không? Nếu có thì cần điều trị các bệnh lý này triệt để thì mới cải thiện hiệu quả tình trạng trẻ 6 tuổi bị nôn sau khi ăn do căn nguyên này.
Ngoài ra, trẻ 6 tuổi bị nôn sau khi ăn cũng có liên quan đến bệnh lý viêm họng, viêm amidan. Cha mẹ cần theo dõi xem có thêm triệu chứng bất thường nào khác không, từ đó lựa chọn hướng xử trí đúng cách, triệt để các bệnh này.
Với những trẻ trên 2 tuổi đã có thể ngồi ăn cùng gia đình và dung nạp thức ăn cứng được rồi. Nhưng với trường hợp của con bạn đã 6 tuổi mà vẫn chưa ăn được thức ăn cứng thì có thể do quá trình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ không phù hợp, chưa đúng với độ tuổi. Ví dụ, tùy thuộc vào độ tuổi mà cho ăn từ loãng đến đặc; ít đến nhiều; thức ăn phù hợp với độ tuổi. Trẻ 6 tháng bắt đầu cho ăn dặm, bột; trẻ 10 - 12 tháng là cho ăn cháo đậm độ về năng lượng để đảm bảo cho sự phát triển bình thường; trẻ từ 2,5 - 3 tuổi thường đã có thể ăn các thức ăn cứng. Trường hợp của con bạn đến nay đã 6 tuổi mà vẫn ăn thức ăn mềm, ít nhai là chưa đúng. Một số bà mẹ vì muốn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con trong mỗi bữa ăn nên đã nghiền hoặc nấu chín tất cả với nhau rồi trẻ chỉ có nhiệm vụ nuốt chứ không phải nhai. Điều này không hề tốt cho tiêu hóa của trẻ. Bởi khi ăn, nhai là lúc hệ tiêu hóa bài tiết men tiêu hóa thức ăn. Bạn cần xem lại chế độ ăn uống, cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.
Như vậy, để cải thiện tình trạng trẻ 6 tuổi bị nôn trớ sau khi ăn, cha mẹ cần thay đổi cách chăm sóc, chế độ ăn uống của bé, cho con tập ăn thức ăn cứng như cơm. Ví dụ một ngày có 2 bữa cơm, một bữa thức ăn mềm như bún, phở,... Tập cho trẻ ăn thức ăn đúng lứa tuổi để khi đến lớp, bé có thể hòa nhập với các bạn. Đồng thời, cần bổ sung đa vi chất dinh dưỡng và lợi khuẩn giúp cho trẻ ăn ngon miệng.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!
Chuyên gia tiêu hóa