Biếng ăn là nỗi “ám ảnh” rất nhiều cha mẹ có con nhỏ hiện nay. Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn có rất nhiều, trong số đó có những nguyên nhân rất đơn giản chỉ cần chúng ta để ý một chút thì có thể nhận ra và có biện pháp khắc phục sớm, hiệu quả.
Biếng ăn thường xảy ra khi nào?
Biếng ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, độ tuổi thường dễ gặp phải tình trạng này đó là 6 tháng - 3 tuổi. Trẻ ở giai đoạn này thường bắt đầu tập đi, tập nói có thể cầm nắm được nên rất hay tò mò khiến trẻ bị mất tập trung với việc ăn uống. Hoặc khi trẻ bắt đầu mọc răng khiến lợi đau cũng làm trẻ biếng ăn. Hay khi trẻ được 6 tháng, bắt đầu ăn dặm, trẻ bắt đầu làm quen với nhiều món ăn mới, lạ, tuy nhiên nếu không chế biến đúng cách, đảm bảo vệ sinh cũng có thể khiến trẻ bị khó tiêu, rối loạn tiêu hóa cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ.
9 nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn - cha mẹ chớ bỏ qua
Nhận định chính xác nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc lựa chọn biện pháp phù hợp cải thiện tình trạng lười ăn, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy cùng tìm hiểu 9 nguyên nhân điển hình khiến trẻ biếng ăn nhé!
1. Tiêu hóa kém hoặc rối loạn tiêu hóa
Đây là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn phổ biến nhất, do hệ tiêu hóa hoạt động không tốt, không tiêu hóa hết thức ăn dẫn đến rối loạn sự co bóp dạ dày và loạn khuẩn đường ruột. Biểu hiện thường gặp là trẻ buồn nôn, đau bụng, đầy bụng, táo bón hoặc tiêu chảy,… Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột làm giảm quá trình lên men thức ăn khiến trẻ chậm tiêu và không có cảm giác đói. Với các trường hợp này, cha mẹ cần khắc phục nhanh chóng các triệu chứng trên bằng cách cho trẻ ăn thức mềm, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa, đồng thời bổ sung thêm các lợi khuẩn để cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
2. Biếng ăn sinh lý
Bỗng dưng bạn thấy trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên lại ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần... mà không hiểu nguyên nhân vì sao? Đây rất có thể chỉ là biếng ăn sinh lý, thường xảy ra theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Theo các chuyên gia, biếng ăn sinh lý thường trùng với các thời điểm trẻ biết lẫy, ngồi, đứng hoặc tập đi,... Trẻ sẽ ăn ít trong một vài ngày hoặc kéo dài khoảng vài tuần. Sau đó bé sẽ ăn uống bình thường trở lại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ ăn ít trong vài tuần, nếu cha mẹ không chú ý và có biện pháp khắc phục sớm, trẻ dễ hình thành thói quen lười ăn. Với các trường hợp này bạn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để cơ thể bé vẫn được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, tránh bị còi xương, suy dinh dưỡng.
3. Biếng ăn do tâm lý cha mẹ
Rất nhiều cha mẹ có quan niệm, cứ ăn nhiều mới tốt cho sự phát triển của trẻ. Nên khi thấy con ăn ít hơn so với các bé cùng lứa tuổi, nhiều cha mẹ đã nghĩ ngay đến việc con bị biếng ăn, mặc dù cân nặng và chiều cao của con vẫn tăng đều đặn. Đó hoàn toàn là quan niệm sai lầm! Hãy nhớ mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, chỉ cần đảm bảo đầy đủ số lượng và chất lượng, đầy đủ 4 nhóm chất: Chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và muối khoáng trong bữa ăn hàng ngày là bạn đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ rồi. Đừng bao giờ lấy sức ăn của con người khác làm chuẩn cho con mình!
4. Sợ ăn, bị ép ăn
Đây là nguyên nhân gây biếng ăn phổ biến nhất ở trẻ em các gia đình Việt. Cảm giác sợ ăn, bị ép ăn khiến cho trẻ càng lười ăn. Nhiều cha mẹ không nhận ra rằng chính mình là “thủ phạm” khiến trẻ lo lắng, sợ hãi thức ăn và dẫn đến biếng ăn. Biếng ăn tâm lý thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc, bị bỏ rơi, bị gò bó vào một khuôn khổ nào đó hoặc bị đánh lừa, không khí trong bữa ăn luôn căng thẳng,... Tình trạng này kéo dài sẽ tạo thành thói quen cứ nhìn thấy thức ăn là trẻ sợ hãi, không muốn ăn.
5. Cho trẻ ăn "tùy hứng" không theo bữa
Cho trẻ ăn không đúng bữa, ăn bất kể lúc nào bé thích là thói quen không tốt. Thói quen tưởng chừng như vô hại này lại vô tình khiến việc ăn uống của trẻ vất vả hơn và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Ăn không đúng bữa sẽ khiến trẻ ăn không được nhiều, không có cảm giác ngon miệng và cũng không quan tâm đến bữa ăn chính nữa.
6. Chỉ cho trẻ ăn những món trẻ thích
Nhiều cha mẹ khi thấy con thích ăn một món ăn nào đó sẽ thường nấu đi nấu lại món đó vì thấy con ăn nhiều hơn các món khác. Tuy nhiên, việc này lâu dần tạo thành thói quen không tốt, rất khó để cho bé ăn thêm các món mới, từ đó khiến cơ thể không hấp thu được đầy đủ chất dinh dưỡng dẫn đến chán ăn, suy dinh dưỡng.
7. Vừa ăn vừa chơi
Nhiều người thường để bé vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi, đồ chơi hoặc cho bé đi dong khắp xóm trong lúc ăn. Việc này không những không giúp bé ăn nhanh hơn mà còn khiến bé mất tập trung, kéo dài thời gian ăn, thức ăn nguội lạnh khiến bé càng chán ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ hình thành phản xạ có điều kiện chỉ khi có đồ chơi mới ăn và sau này sẽ rất khó để sửa đổi.
8. Thức ăn không hợp khẩu vị
Thực đơn nhàm chán, ít thay đổi cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Cần đa dạng các loại thức ăn để biết được khẩu vị của trẻ, nên thay đổi thường xuyên và đảm bảo chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng. Đa dạng khẩu phần ăn cũng để phát hiện thêm những thức ăn khác mà trẻ thích.
9. Chế độ ăn không cân đối, thiếu vi chất
Chế độ ăn không cân đối, ăn quá nhiều trong mỗi bữa hoặc ăn quá nhiều bữa trong ngày sẽ dẫn đến tình trạng ức chế bài tiết các men tiêu hóa, làm trẻ sợ ăn.
Thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, B, C, kẽm, sắt, đồng, selen,... cũng khiến trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng.
Làm gì khi trẻ biếng ăn thường xuyên?
Để có thể lựa chọn biện pháp khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ biếng ăn. Từ đó tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể mà có "chiến thuật" phù hợp. Với trẻ biếng ăn do đang trong thời kỳ mọc răng thì cha mẹ nên lựa chọn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Với trẻ hay bị nôn trớ thì cha mẹ cho ăn từng ít một và chia ra thành nhiều bữa nhỏ, không nên cho bé ăn đồ ăn vặt như bánh, kẹo,... Đồng thời cha mẹ cũng cần tạo không khí bữa ăn vui vẻ, kết hợp với những câu chuyện của các món ăn từ đó kích thích sự tò mò của trẻ cũng khiến trẻ hứng thú với bữa ăn và ăn nhiều hơn. Cha mẹ cũng chú ý nên đa dạng món ăn trong mỗi bữa ăn vừa giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tạo cảm giác thèm ăn của trẻ.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ thông tin giúp bạn có thêm những kiến thức cần thiết về nguyên nhân trẻ biếng ăn cũng như biện pháp phòng, hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả, an toàn từ thiên nhiên!
Để được giải đáp mọi thắc mắc về tình trạng rối loạn tiêu hóa hoặc muốn tư vấn thêm, mời bạn để lại thông tin liên hệ để được tư vấn tận tình và chi tiết nhất nhé!