Rối loạn tiêu hóa là một trong những bất thường của hệ tiêu hóa về chức năng và cấu trúc. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp thông tin về rối loạn tiêu hóa, 7 loại bệnh thường gặp và cách phòng ngừa hiệu quả.
Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là nhóm tình trạng rối loạn chức năng hoặc cấu trúc của hệ tiêu hóa. Đây không phải là bệnh lý mà là biến chứng hoặc triệu chứng của nhiều bệnh lý khác trong hệ tiêu hóa gây ra.
Chứng rối loạn tiêu hóa có thể chia thành 2 nhóm chính, bao gồm:
Rối loạn tiêu hóa chức năng: Là tình trạng chức năng của hệ tiêu hóa xảy ra bất thường. Những yếu tố như chế độ ăn uống ít chất xơ, stress,… là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa chức năng.
Rối loạn tiêu hóa cấu tạo: Là tình trạng ruột có cấu trúc bất thường dẫn đến ảnh hưởng chức năng, hoạt động. Trong một số trường hợp, cần phải phẫu thuật để loại bỏ phần cấu tạo bị rối loạn.
Tùy thuộc vào từng khu vực tiêu hóa bị rối loạn, triệu chứng sẽ khác nhau. Bao gồm:
- Rối loạn đường tiêu hóa trên: Đau ngực, đau bụng mạn tính hoặc tái phát từng đợt, khó tiêu, cảm thấy khó chịu hoặc có khối u trong họng, hôi miệng, nấc cụt, buồn nôn, nôn.
- Rối loạn đường tiêu hóa dưới: Táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, đau/chảy máu trực tràng.
Rối loạn tiêu hóa xảy ra khi chức năng, cấu trúc hệ tiêu hóa hoạt động bất thường
7 loại bệnh rối loạn tiêu hóa phổ biến
Có nhiều bệnh gây ra triệu chứng hay biến chứng rối loạn tiêu hoá. Dưới đây là 7 bệnh phổ biến nhất, bao gồm:
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Là tình trạng axit trong dạ dày thường xuyên chảy ngược vào ống thực quản (ống nối của miệng và dạ dày). Dung dịch trào ngược này có thể gây kích ứng lên niêm mạc thực quản.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản: Chủ yếu do sự giãn cơ thắt thực quản dưới hay còn gọi là van thực quản. Bình thường, van này sẽ đóng chặt ngay sau khi thức ăn vào dạ dày. Tuy nhiên, do một số tác nhân bên ngoài, van này bị giãn và các chất ở trong dạ dày sẽ trào ngược lên ống thực quản.
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa do trào ngược dạ dày thực quản: Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng. Nôn mửa, nôn trớ. Ho khan, đau ngực, đau họng, khàn tiếng. Có cảm giác thức ăn bị mắc lại trong cổ họng gây khó chịu.
Viêm loét dạ dày tá tràng (PUD)
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng xuất hiện các vết loét gây đau đớn trên thành niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Trong trạng thái bình thường, niêm mạc dạ dày sẽ có một lớp màng nhầy bảo vệ khỏi dịch tiêu hóa. Tuy nhiên, một số yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến lớp màng này và gây viêm loét dạ dày tá tràng.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng: Có nhiều tác nhân gây viêm loét ở khu vực này như stress, sử dụng các loại thực phẩm gây kích ứng, hút thuốc lá thường xuyên,… Tuy vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 2 nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng là: Do vi khuẩn H. pylori và tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng viêm không steroid NSAID như Aspirin, Naproxen, Ibuprofen,…
Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng: Đau nhói/nóng rát vùng bụng giữa vào các bữa ăn hoặc ban đêm. Cơn đau có thể tạm thời biến mất khi bạn sử dụng thuốc kháng axit hoặc ăn thứ gì đó. Ợ chua, buồn nôn, nôn mửa. Phân sẫm màu hoặc có màu đen hắc ín, giảm cân bất thường.
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến gây rối loạn tiêu hóa
Viêm dạ dày ruột do virus (cúm dạ dày)
Đây là tình trạng viêm (kích ứng) dạ dày, ruột do virus gây ra. Đây là bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa phổ biến với thống kê hơn 20 triệu người tại Mỹ mắc phải mỗi năm.
Nguyên nhân gây cúm dạ dày: Virus, vi khuẩn, độc tố, ký sinh trùng là những nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Phổ biến hơn là hai loại Rotavirus và Norovirus.
Triệu chứng của cúm dạ dày: Đau bụng, chuột rút, buồn nôn, ói mửa, sốt nhẹ, nhức mỏi cơ thể, nhức đầu.
Viêm ruột (IBD)
Đây là thuật ngữ chung dùng để chỉ 2 bệnh lý khác là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Viêm ruột xảy ra ở hơn 1,5 triệu người Mỹ mỗi năm. Đây là chứng bệnh tự miễn, có nghĩa là phản ứng bất thường của hệ tiêu hóa. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến phần đầu đại tràng và cuối ruột non.
Nguyên nhân gây viêm ruột: Hiện chưa có thông tin chính xác về nguyên nhân gây viêm ruột. Tuy vậy, những yếu tố như chế độ ăn uống không khoa học, căng thẳng, hệ thống miễn dịch bị trục trặc được đánh giá là có thể gây ra tình trạng bệnh lý này.
Triệu chứng của viêm ruột: Tiêu chảy dai dẳng, chảy máu trực tràng, trong phân có máu, đau bụng, giảm cân và sốt, mệt mỏi.
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Là một hội chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến ảnh hưởng đến ruột già. Hội chứng này thường bị nhầm lẫn với viêm ruột ở trên. Tuy IBS thường xảy ra ít hơn nhưng là tình trạng mạn tính. Chỉ một trong số ít người bệnh có dấu hiệu nghiêm trọng khi bị hội chứng ruột kích thích.
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa này chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh có thể gồm chứng co thắt cơ trong ruột, quá mẫn nội tạng (các dây thần kinh trong đường tiêu hóa bị nhạy cảm quá mức), rối loạn chức năng não – ruột (tín hiệu giữa dây thần kinh giữa não và ruột bị truyền sai lệch), nhiễm trùng nặng, căng thẳng, vi khuẩn trong đường ruột thay đổi,…
Triệu chứng của IBS: Đau bụng, chướng bụng, chuột rút, đầy hơi, đi tiêu khó hoặc lỏng hơn bình thường, tiêu chảy và táo bón diễn ra xen kẽ, có chất nhầy trong phân.
Hội chứng ruột kích thích có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Sỏi mật
Túi mật là một trong những cơ quan gắn liền với ruột để lưu trữ mật (một loại dịch tiêu hóa). Tuy vậy, do một số tác động, mật bị ứ đọng và tạo thành các cặn bã, sỏi mật. Điều này có thể gây ra chứng rối loạn tiêu hóa.
Nguyên nhân gây sỏi mật: Sự dư thừa nồng độ cholesterol hoặc bilirubin trong mật là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Những yếu tố làm tăng nồng độ của các chất này là béo phì, chế độ ăn uống nhiều chất béo, ít xơ, bị bệnh tiểu đường,…
Triệu chứng sỏi mật: Hầu hết các trường hợp sỏi mật không có triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi sỏi mật di chuyển và gây tắc nghẽn trong các ống dẫn, người bệnh có thể cảm thấy đau đột ngột hoặc dữ dội vùng bụng giữa, bụng phía trên bên phải. Những cơn đau này có thể lan tỏa đến lưng giữa, hai bả vai, lưng phải. Một số trường hợp có thể kèm theo nôn mửa, buồn nôn.
Bệnh Celiac
Bệnh Celiac là chứng nhạy cảm với gluten (protein có trong lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen). Khi bạn ăn phải thực phẩm có chứa gluten, hệ thống miễn dịch tấn công và gây tổn thương nhung mao trong ruột non. Từ đó gây ra một số rối loạn tiêu hóa liên quan đến hấp thu dinh dưỡng hoặc những triệu chứng khác.
Nguyên nhân gây bệnh Celiac: Hiện tại chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh, nhưng đây là một tình trạng tự miễn dịch và làm cho hệ thống này quay lại tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh. Điều này có thể xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc môi trường xung quanh.
Triệu chứng bệnh Celiac: Tiêu chảy có mùi khó chịu hoặc táo bón, đau dạ dày, đầy hơi, xì hơi, khó tiêu. Triệu chứng tổng quát hơn có thể gồm mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân, phát ban gây ngứa, tổn thương hệ thần kinh.
Rối loạn tiêu hóa do bệnh Celiac là chứng nhạy cảm với thành phần gluten
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa như thế nào?
Tùy thuộc vào mỗi loại rối loạn tiêu hóa, cách điều trị sẽ khác nhau. Bạn nên thăm khám với bác sĩ ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng rối loạn tiêu hóa nào. Đặc biệt là khi các triệu chứng này kéo dài và có mức độ nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, để có thể cải thiện và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các lợi khuẩn để tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa.
Lưu ý về chế độ ăn uống, sinh hoạt
Về chế độ ăn uống, sinh hoạt để cải thiện, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, bạn cần lưu ý như sau:
Bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì?
Bổ sung thêm các chất xơ ngăn ngừa táo bón: Nên sử dụng thức ăn thô và nhiều chất xơ thường xuyên hơn. Hãy đặt mục tiêu ăn 30g chất xơ mỗi ngày để giúp đường ruột khỏe mạnh hơn. Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau củ, gạo lứt, đậu, yến mạch,…
- Uống nhiều nước: Bạn cần uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. Nước đóng vai trò quan trọng trong việc giúp vận chuyển chất thải ra khỏi hệ tiêu hóa, làm mềm phân.
- Hạn chế chế biến thức ăn chiên xào: Ăn nhiều thịt nạc, cá, sữa tách béo hoặc nửa tách béo, lựa chọn cách chế biến luộc, hấp hay nướng thay cho chiên xào để giúp cho dạ dày của bạn không phải hoạt động quá sức.
- Lựa chọn trà thảo mộc, sữa hoặc nước lọc thay cho các loại đồ uống khác: Nếu bạn bắt buộc phải sử dụng café hoặc những loại trà khác để tỉnh táo, hãy hạn chế, chỉ uống từ 1 – 2 tách/ngày.
Bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn gì?
- Cắt giảm chất béo trong chế độ ăn: Những loại thực phẩm như đồ chiên xào nhiều dầu mỡ có thể làm bạn bị khó tiêu, ợ chua và gây đau dạ dày hơn. Hạn chế các thực phẩm có thể gây ra vấn đề về ruột như có chứa nhiều axit (cà chua, trái cây họ cam quýt, đồ uống có ga,…).
- Cắt giảm bớt gia vị: Đặc biệt là gia vị cay, nóng có thể gây ra khó chịu, chứng ợ nóng như ớt, tỏi, hành tây,… Các loại gia vị này có thể khiến bạn bị tiêu chảy, đau dạ dày, ợ chua,...
- Không uống rượu bia, đồ uống có caffein, cola, trà: Những loại đồ uống này có thể làm tăng axit trong dạ dày. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế những loại đồ uống có vị béo ngậy, chúng sẽ gây đầy bụng, dẫn đến ợ nóng.
Không nên sử dụng đồ uống có cồn, cafein để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
Ăn uống đúng cách
- Ăn chậm, nhai kỹ với bất kỳ đồ ăn nào.
- Không ăn quá nhiều trong một bữa, hãy chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành 4 – 5 bữa thay vì 3 bữa lớn/ngày.
- Ăn đúng bữa, không bỏ bữa.
- Tránh ăn quá nhiều trước khi đi ngủ, nên kết thúc bữa ăn trước khi đi ngủ từ 2 – 3 giờ.
Thay đổi lối sống: Hạn chế stress, tăng cường tập luyện thể dục, kiểm soát cân nặng hợp lý. Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ suy yếu hệ tiêu hóa.
Sử dụng lợi khuẩn tăng cường tiêu hóa
Ngoài kiểm soát chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt, bạn có thể sử dụng thêm các lợi khuẩn giúp tăng cường hệ tiêu hóa. Đặc biệt, đây là cách giúp giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa ở trẻ em tốt hơn. Những nguồn bổ sung lợi khuẩn ví dụ như:
Sử dụng sữa chua: Một số loại sữa chua chứa lợi khuẩn Probiotics (lợi khuẩn được tìm thấy trong ruột) có thể giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa.
Sử dụng các loại cốm vi sinh: Đặc biệt là những sản phẩm có chứa lợi khuẩn Bacillus subtilis, giúp bổ sung được vi khuẩn có lợi và ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn có hại. Điều này sẽ hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa hiệu quả.
Một số lợi khuẩn tốt cho người bị rối loạn tiêu hóa
Trên đây là những thông tin tham khảo về rối loạn tiêu hóa. Hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ hôm nay để hạn chế sự ảnh hưởng của rối loạn tiêu hóa gây ra. Đây không phải là bài viết đầy đủ nhất về tình trạng rối loạn này. Do đó, nếu bạn còn bất kỳ thông tin nào liên quan đến tình trạng này, vui lòng để lại số điện thoại hoặc câu hỏi dưới phần bình luận. Đội ngũ dược sĩ sẽ hỗ trợ tư vấn giải đáp chi tiết hơn.
Tham khảo:
https://www.everydayhealth.com/digestive-health/common-digestive-conditions-from-top-bottom/
https://www.healthgrades.com/right-care/digestive-health/10-common-digestive-disorders
https://www.medicalnewstoday.com/articles/list-of-digestive-disorders#diagnosis
https://www.tanner.org/the-scope/6-common-digestive-disorders
https://www.webmd.com/digestive-disorders/default.htm
https://my.clevelandclinic.org/health/articles/7040-gastrointestinal-diseases
https://www.msdmanuals.com/home/digestive-disorders
https://www.nhs.uk/live-well/eat-well/good-foods-to-help-your-digestion/
https://www.nhs.uk/live-well/eat-well/five-lifestyle-tips-for-a-healthy-tummy/